Bài chia sẻ của bạn Linh Phạm, hai lần thi IELTS đều được 9.0 Reading. Các bạn tham khảo nhé!
-----------------
Mình thi IELTS hai lần, điểm bài thi Đọc đều được 9.0. Thời gian qua cũng có nhiều bạn đã gửi các câu hỏi liên quan đến bài thi, vì không thể trả lời chi tiết cho từng người nên mình viết lại những suy nghĩ của bản thân về các câu hỏi ở đây.
Hy vọng có thể phần nào giải đáp thắc mắc của các sĩ tử đang ôn thi ai-eo.
Chú ý:
- Tất cả những quan điểm trong bài viết xuất phát từ quá trình ôn luyện và làm bài thi của cá nhân mình (đồng nghĩa: bạn hoàn toàn có thể có quan điểm trái ngược.)
- Bài viết không cung cấp “bí kíp làm bài thi Đọc đạt điểm cao”, nên nếu đó là điều bạn đang tìm kiếm thì tốt nhất nên bỏ qua bài viết này.
- Nếu các bạn muốn chia sẻ bài viết, làm ơn trích dẫn nguồn giúp mình.
“Từ vựng và ngữ pháp của em rất yếu. Làm thế nào để tăng điểm bài thi Đọc đây?”
Thực ra câu hỏi của bạn cũng chính là câu trả lời: Yếu ở đâu ta bổ sung, củng cố ở đó. Tuy nhiên có vài chú ý nho nhỏ về cái gọi là “từ vựng” và “ngữ pháp”.
1. Về từ vựng, có bạn hỏi:
“Linh nói là từ vựng của bạn không nhiều, vậy làm sao được 9.0 Reading IELTS?”
Theo mình, từ vựng trong bài thi đọc có 2 dạng:
- Từ vựng chuyên ngành (liên quan trực tiếp đến chủ đề đó).
Ví dụ: nếu bạn đọc một bài về “Tác động của ánh sáng lên thực vật”, bạn sẽ bắt gặp những từ như “quang hợp”, “tinh bột”, v..v.. và chúng chính là tự vựng chuyên ngành.
Những từ này bạn biết thì tốt, không biết cũng không sao. Giống như Toán học, điều gì không biết thì chúng ta đặt ẩn, gọi là x, là a, là b hay c thì tùy. Tóm lại là bạn cứ để nguyên những từ này như nó vốn thế, chấp nhận nó dưới dạng KHÁI NIỆM chứ đừng phân vân quá về ngữ nghĩa làm gì.
- Từ vựng ảnh hưởng đến khả năng đọc – hiểu.
Những từ này tự bản thân chúng có sắc thái nghĩa (như tích cực/tiêu cực, tăng/giảm, v..v..) và ảnh hưởng đến ý kiến của tác giả (Yes/No/Not given); ảnh hưởng đến những thông tin được trình bày (True/False/Not given); ảnh hưởng đến cách chúng ta hiểu các đầu đề (Matching headings), v..v.. Đối với những từ vựng dạng này, không còn cách nào khác ngoài việc HỌC.
Tuy nhiên,
“Lượng từ vựng quá lớn, làm sao để học hết đây?”.
Mấu chốt ở đây là các bạn không cần (thực ra là không thể) học hết!
Cách mình đối phó với những từ này như sau:
- Trong quá trình làm đề thi thử: Gặp từ mới, mình dựa vào văn cảnh, dựa vào sắc thái ý nghĩa biểu đạt của cả đoạn, dựa vào thông tin câu trước, câu sau để đoán nghĩa từ đó. Mình luyện tập làm điều này mỗi ngày bằng cách đọc sách, báo, tạp chí, truyện tranh, v..v.. và khả năng đoán nghĩa từ của mình tăng lên rõ rệt. Điều này cũng lí giải cho việc mình “BIẾT ít từ, nhưng vẫn HIỂU được bài”.
Tại sao “biết” với “hiểu” lại khác nhau? Bởi vì việc bạn hiểu được một từ trong văn cảnh đó không đồng nghĩa với việc bạn biết cách dùng đúng của từ đó. Lần sau nếu phải viết ra chưa chắc bạn đã viết đúng chính tả, nếu phải đọc lên chưa chắc bạn đã phát âm được. Tóm lại, BIẾT là phải “rõ cả tông ti họ hàng”, còn HIỂU thì “mang máng” cũng được.
- Sau khi hoàn thành các bài thi thử, mình sẽ đánh giá mức độ quan trọng của các từ mới, từ nào thấy xuất hiện 3 lần trở lên trong các đề thi IELTS, tức là nó phổ biến, và mình KHÔNG BIẾT nó thì không ổn!
Đối với những từ đó, mình ghi chép ra sổ, tra cứu họ từ, cách phát âm, đặt câu để nhớ.
Chốt lại vấn đề về từ vựng: Từ thì nhiều, nhưng nên HỌC chọn lọc. Và “chăm” thì mới có kết quả tốt được! (Mặc dù chẳng ai thích chăm cả. Nằm ăn bánh xem tivi mà thi Đọc được 9.0 thì ai chẳng thích, cơ mà điều đấy hơi khó xảy ra.)
2. Về ngữ pháp.
Theo mình, những kiến thức ngữ pháp cơ bản như thời thì, hòa hợp chủ vị, v..v.. thì ai cũng biết, vậy nói ngữ pháp ảnh hưởng đến khả năng đọc – hiểu thì là đang nhắc đến “yêu quái phương nào” đây?
Chắc gây khó khăn và hiểu nhầm nhiều nhất chính là những cấu trúc bày tỏ quan điểm trái ngược và các mệnh đề quan hệ bổ sung ngữ nghĩa. Để hiểu được những cấu trúc này trong câu đóng vai trò gì thì cách duy nhất là đọc thật nhiều mà thôi!
Đến đây, lại có bạn hỏi:
“Tớ muốn luyện tập kỹ năng đọc thì nên tham khảo những sách gì?”
Để tăng khả năng đọc – hiểu, mình khuyến khích các bạn cứ thấy cái gì viết bằng tiếng Anh thì cầm lên đọc. :)
Có lần buổi sáng mẹ mình mang về mấy hộp mĩ phẩm màu sắc bắt mắt, mình cầm lên “soi” nhãn mác và bắt gặp từ “moisturize”. Thấy hay hay thì tra từ điển và biết là “làm ẩm”. Chiều hôm đó làm một bài đọc về Rừng nhiệt đới, mình lại gặp từ này. Tối hôm ấy tình cờ xem một đoạn băng của cuộc thi Hùng biện Toastmasters, mình gặp từ này lần thứ ba. Và thế là mình nhớ!
“Em muốn cải thiện kỹ năng làm bài đọc của mình, nhưng em lười đọc lắm. Phải làm sao?”
Nghe sao mà giống: “Em muốn trúng xổ số kiến thiết, nhưng chưa bao giờ dám mua cả.” Với câu hỏi này mình xin phép không trả lời :)
Chúc các bạn học đọc vui, và đạt điểm cao trong kỳ thi!
Nguồn: hocvietielts